Thế giới cổ tích và nguồn gốc các môn thể thao
Thấy Sọ Dừa chỉ là cái đầu lăn lóc hai cô chị nhà ông phú hộ chẳng ưng cái bụng chút nào. Duy chỉ có cô em là có suy nghĩ khác, cô đoán Sọ Dừa không phải là người thường nên đem lòng yêu thương.
Tạm quên cô em út, nhắc lại hai cô chị khi hay tin cha mình bắt lấy Sọ Dừa, hai cô quyết định trả thù. Chiều chiều hai cô ra chỗ Sọ Dừa chăn dê trút giận lên đầu chàng. Hai cô đá qua đá lại cái đầu (nguyên là Sọ Dừa) cho bỏ ghét. Đá qua đá lại riết cũng chán, hai cô quyết định dựng lên khung thành đá cho máu lửa. Hai cô đâu biết mình đã vô tình đặt nền mống cho môn “thể thao vua” là bóng đá ra đời.
Đây nhắc lại anh Khoai sau khi lấy được vợ đẹp và giàu, anh ngày càng chú ý đến sức khỏe nhiều hơn. Bởi anh sợ nếu lỡ may chết yểu "vợ mình người ta xài, con mình người ta sai". Nghĩ là làm, anh Khoai bèn đọc câu thần chú "Khắc nhập, khắc nhập" một trăm khúc tre nhập vào nhau biến thành cây tre dài sừng sững. Sẵn cây tre dài trong tay, anh Khoai ngay lập tức sáng tạo ra môn Nhảy sào. Mỗi ngày anh Khoai siêng năng tập luyện môn Nhảy sào bảy tám tiếng, thân thể anh ngày càng tráng kiện. Nghe đồn sau này anh sống thọ tới mấy ngàn năm tuổi.
Thánh Gióng sau khi phá tan giặc Ân thì cưỡi Ngựa sắt về trời. Thánh được Ngọc Hoàng ban ơn hậu lễ. Thánh Gióng nghĩ người phương Nam hiền hậu, người phương Bắc đầy dã tâm. Họa giặc ngoại bang sẽ còn mãi nên không thể không đề phòng. Thánh Gióng bèn xin Ngọc Hoàng cho luyện kỵ binh, bắt tướng nhà trời phải cưỡi ngựa thật giỏi, hòng mưu sự sau này. Ngọc Hoàng thuận tình cho lệnh làm thêm Ngựa sắt, phàm tướng nhà trời ngày nào cũng phải tập luyện phi ngựa. Tướng nào phi ngựa giỏi sẽ được Ngọc Hoàng ban thưởng, các tướng thi thố nhau hết sức mình cuối cùng Ngọc Hoàng tổ chức luôn giải đua ngựa và môn đua ngựa đã được truyền xuống nhân gian.
Khi Thủy Tinh xua quân đi đánh ghen, hắn đi tới đâu nước lũ dâng lên cuồn cuộn chỗ đó. Bá tánh bị Thủy Tinh cho "ăn hành" khổ sở không sao kể hết. Sơn Tinh thấy vậy bèn vác núi ra đấu với Thủy Tinh. Thủy Tinh làm phép dâng nước, Sơn Tinh vác núi ném ra. Nước bị núi ngặn chặn bá tánh bình an vô sự. Cay cú nên năm nào Thủy Tinh cũng đánh nhau với Sơn Tinh. Biết sức mình không đấu lại, Sơn Tinh bèn dạy cho mọi người cách vác đất đá ra ngăn chặn dòng nước. Từ đó vào mùa khô hạn người dân vẫn ra sức tập luyện cách chống chọi với lũ vác đất đá và ném. Thời gian ông Marco Polo thám hiểm sang Giao Chỉ nghe lởm bởm câu chuyện này, nhưng ông chỉ nhớ chi tiết mọi người vác đất đá ngăn nước. Sau này ông về phương Tây, ông cải biên và sáng tạo ra môn ném tạ mô tả hành động vác đất đá ngăn lũ của người Giao Chỉ.
Đọc đến đây quí vị sẽ tức anh ách vì không thấy Thần Kim Quy xuất hiện đúng không. Xin quí vị bình tĩnh, sau khi cho vua Hùng mượn móng rùa làm ra nỏ thần, cụ Kim Quy nhà ta mất mấy ngàn năm mới bơi qua châu Mỹ. Nhiều người lầm tưởng Colombo là người phát hiện ra châu Mỹ. Thật ra cụ Kim Quy mới là người phát hiện ra châu Mỹ đầu tiên, sẵn cái móng đã mất vì cho vua Hùng mượn, cụ làm móng rùa lại cho mình. Cụ là ông tổ của ngành làm nail. Có tiền nhưng cụ vẫn chủ trương "sống chậm như rùa" để đề cao tuổi thọ. Khỏi bàn cãi cụ chính là cha đẻ của bộ môn đi bộ...